Thiết kế và chế tạo HMS_Adventure_(M23)

Được đặt lườn tại Devonport vào tháng 11 năm 1922 và hạ thủy vào tháng 6 năm 1924, Adventure là chiếc tàu chiến đầu tiên của Hải quân Anh được chế tạo để phục vụ như tàu rải mìn, và cũng là chiếc đầu tiên trang bị động cơ diesel để đi đường trường. Nó được thành phố Plymouth đỡ đầu.

Adventure được chế tạo để thay thế cho Princess Margaret, một chiếc được cải biến thành tàu rải mìn kỳ cựu thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và được thiết kế để có khả năng mang số lượng thủy lôi lớn và tầm hoạt động xa. Số mìn mang theo được chứa hoàn toàn kín bên trong, đòi hỏi một lườn tàu dài và cao, với bốn đường ray thả mìn dọc theo chiều dài lườn tàu để trượt xuống phía đuôi. Nó có một đuôi tàu phẳng để giúp có sự di chuyển hiệu quả, nhưng nước cuốn trở lại khiến thủy lôi có xu hướng bị hút ngược trở lại lườn tàu sau khi thả, một tình huống rõ ràng nguy hiểm đối với một tàu rải mìn. Kết quả là nó phải được tái cấu trúc với một đuôi tàu tròn theo kiểu truyền thống, và chiều dài con tàu tăng thêm 19 ft (5,8 m).

Hệ thống động lực của nó tương tự với một tàu tuần dương hạng nhẹ lớp C, nhưng để tăng hiệu quả đi đường trường, một động cơ diesel-điện mới được thử nghiệm; chân vịt được chọn dẫn động bằng kiểu động cơ thông qua một hộp số. Động cơ diesel-điện được tháo dỡ vào năm 1941 cùng với ống thoát nhỏ ghép vào ống khói thứ hai. Trọng lượng nặng bên trên của Adventure do số thủy lôi được chứa cao trên sàn tàu khiến nó không thể mang dàn vũ khí tiêu biểu của tàu tuần dương. Thay vào đó, bốn khẩu pháo QF 4,7 in (120 mm) Mark VIII trên các bệ góc cao được đặt ở các vị trí 'A', 'Q', 'X' và 'Y' sau khi nhận thức ra một cách sắp xếp hữu ích hơn. Vũ khí phòng không được hoàn thiện với một bệ pháo QF 2-pounder Mk.VIII "pom-pom" tám nòng (trang bị vào cuối 1930) và một cặp súng máy Vickers 0,5 in (13 mm) bốn nòng.